Thái độ quan trọng hơn trình độ: Người thờ ơ với trách nhiệm công việc - ngay lập tức sẽ bị đào thải
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân hiện là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia…Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: "Quảy gánh băng đồng ra thế giới", "Nhượng quyền khởi nghiệp", và "Con đường ngắn để bước ra thế giới".Mới đây, bằng những trải nghiệm đã "kinh qua" khi làm việc, chuyên gia đã nhìn nhận được những "căn bệnh" phổ biến của nhiều nhân viên. Thái độ của một nhân viên luôn luôn được đánh giá cao.
"Xưa giờ, làm cho mình hay làm cho tập đoàn, ở Việt Nam hay ngoài thế giới, cách tiếp cận với team đều hết sức giống nhau - I need you & I don't - Tôi rất cần & cũng chẳng cần.
Làm việc gì, đương nhiên cũng phải có team. Team, là tập hợp của những con người rất khác nhau, từ tâm tính, nền tảng, đến cách làm cách nghĩ. Sao cũng được, miễn tất cả cùng vận hành trên một cái luật hành xử chung. Tài giỏi hay không, mồm mép hay không, quan hệ gần gũi với sếp hay không, tôi đều dung nạp và đối xử với mọi người như nhau cả. Luật chơi là code of conduct. Ai phạm vào đó, mời ra, cho dù đó là co-founder.
Một tổ chức không thể vận hành dựa trên sự vô kỷ luật. Một doanh nghiệp không thể lớn mạnh khi người quần quật, kẻ chây lười. Một hệ thống không thể chạy đều khi kẻ lơ là, người trách nhiệm. Nếu dung túng kẻ lơ là, ắt sẽ mất đi những con người trách nhiệm. Nói hay, đôi lúc không bằng làm tốt. Tính tôi, làm được thì mới nói. Xiên ngang xẻ dọc nói thật kinh mà làm chả ra hồn, thì đương nhiên bị xem là rủi ro cho tổ chức. Trước sau gì cũng xử thẳng tay, dù quan hệ có là gì. Điều đó không có nghĩa là không thương. Thương là để người ta đúng chỗ, chỉ người ta đúng việc, không dung túng để người ta hư hỏng trong sự che đậy, bảo bọc của bản thân, chỉ vì mình nắm quyền làm sếp. Thương là để cho họ ra đi, ngã sấp ngã ngửa trên đường đời, hoặc làm đúng những gì họ được sinh ra để tận lực tận tâm. Đơn giản là như thế. Nên, I need you and I don't - Tôi rất cần nhưng cũng chẳng cần.
Tôi cần, nhưng là cần những con người đúng việc, dựa vào nhau mà đi, hành xử và kết nối trên cùng luật hành xử chung. Tôi không cần những cái xác biết nói, tồn tại trong tổ chức mà không tự mình tự biết gánh vác trách nhiệm được giao cho vị trí của mình. Nếu cứ lăn ra ngủ đông, rồi lâu lâu xù lông cho sếp coi như coi show thì, swing một phát như đánh golf cho bay ra bìa rừng mà tự ngáp. Ai sống trên đời mà lại thiếu tôn trọng bản thân đến thế, dối lừa trên sự chính trực của chính bản thân mình?\
I need you & I don't - Tôi rất cần nhưng cũng chẳng cần. Sếp là người có trách nhiệm xây nên một hành trình đầy nắng gió. Người cần đến sẽ đến. Kẻ cần đi phải đi. Nắng và gió không phải là hành trình được vẽ nên cho tất cả mọi người. I need you & I don't."
Nguồn: Cafebiz